Truyền thông

Mướt mắt những mô hình nông nghiệp xanh trên đất Thành Sen

Với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và sự nỗ lực của người dân, TP Hà Tĩnh đã hình thành nhiều mô hình nông nghiệp đô thị mang lại giá trị kinh tế cao và bền vững.


Nhằm khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thề về các ao hồ tại các xã ven đô, cuối năm 2021, TP Hà Tĩnh đã thành lập Hợp tác xã Sen Hào Thành với sự tham gia của 12 thành viên. Ảnh: Cánh đồng sen rộng trên 2ha được trồng theo chuỗi giá trị gắn với phát triển du lịch tại xã Đồng Môn.


Đến nay, tổng diện tích sen trên địa bàn TP Hà Tĩnh đã đạt trên 12 ha với 30 loại sen khác nhau được trồng tại các xã Thạch Hưng, Đồng Môn…


Trong đó phải kể đến một số loại như: sen cao sản dùng để lấy hạt, sen Nhật Bản trồng để lấy củ, sen Tây Hồ trồng để làm trà, sen Quan âm trắng hồng và sen Bạch Liên trồng để lấy bông… Chủ nhiệm HTX Sen Hào Thành Trần Tiến Sỹ chia sẻ: “Sen được trồng từ tháng 4/2022, qua 3 tháng cho thấy sinh trưởng rất tốt, phù hợp với chất đất. Hiện nay, HTX bắt đầu tiến hành thu hoạch bói bông, củ, hạt. Đây là vụ đầu tiên HTX triển khai trồng, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng hơn nữa về diện tích để vừa tạo cảnh quan, vừa tạo giá trị kinh tế từ cây sen”.


Cùng với sen, tháng 11/2021, TP Hà Tĩnh cũng đã thành lập Hợp tác xã Ong và dịch vụ nghề ong với 7 thành viên tham gia.


Cho đến nay, hợp tác xã đã có trên 300 tổ ong được phân bổ tại các địa bàn như: Thạch Hạ, Đồng Môn, Thạch Bình, Đại Nài, Văn Yên. Ảnh: Cơ sở nuôi ong số 1 tại xã Đồng Môn với quy mô 50 tổ đang bắt đầu cho thu hoạch.


Các hộ nuôi đã thu được trên 500 lít mật ong với giá trị bán ra từ 400 - 500 ngàn đồng/lít.


TP Hà Tĩnh cũng đã triển khai thành công mô hình nuôi trai lấy ngọc tại xã Đồng Môn với quy mô trên 1ha, số lượng trên 11.000 con.


Qua thu hoạch cho năng suất 2 viên trên 1 con, trong đó khoảng 40% đạt tiêu chuẩn loại 1 và 2. Hiện nay, thành phố đang tiếp tục cho ươm giống tại một số khu vực ở phường Thạch Quý, phường Hà Huy Tập, xã Thạch Trung nhằm tiến tới mở rộng diện tích nuôi ngọc trai lên gấp 3 lần.


Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao cũng đã được hình thành và mang lại nhiều hiệu quả, góp phần khai thác tối đa tiêm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên tại các xã ven đô. Tiêu biểu phải kể đến như mô hình Hợp tác xã Rau củ quả và dịch vụ tổng hợp Thạch Hạ ( xã Thạch Hạ) với trên 8.000m2 nhà màng dùng để trồng dưa lê vàng Hàn Quốc, dưa lê vàng Happy 6 do Viện Rau củ quả Trung ương nghiên cứu, phát triển


Anh Nguyễn Đăng Mạnh - Chủ nhiệm HTX Rau củ quả và dịch vụ tổng hợp Thạch Hạ cho biết: "Sau thành công từ giống dưa lê vàng Hàn Quốc, HTX đã tiến hành trồng dưa Happy 6 theo sự tư vấn của Phòng Kinh tế thành phố. Đến nay, trên 2.000 gốc dưa Happy 6 chuẩn bị bước vào thu hoạch với giá bán sỹ từ 32-35 ngàn đồng/kg.


Tại xã Đồng Môn, Hợp tác xã Thanh niên Thành Sen (xã Đồng Môn) đã triển khai việc trồng các loại dưa, bí, măng tây trên diện tích 2ha.


Các mô hình này đều ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số trong nông nghiệp. Việc xây dựng thành công các mô hình góp phần tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương. Ảnh: Người lao động làm việc tại HTX Thanh niên Thành Sen đang chăm bón cho cây măng tây.

"TP Hà Tĩnh có trên 2.600 ha đất nông nghiệp, trong đó diện tích bỏ hoang trên 600ha; có trên 70% dân số làm nông nghiệp và có đất nông nghiệp.

Hiện nay, TP Hà Tĩnh đã triển khai xây dựng được 20 mô hình kinh tế nông nghiệp đô thị với quy mô đầu tư từ 200 triệu đồng đến 7 tỷ đồng. Các mô hình ước tính mang lại doanh thu từ 300 triệu đồng - 4 tỷ đồng/năm.

Thời gian tới, TP Hà Tĩnh sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển kinh tế nông nghiệp đô thị, lấy phát triển các mô hình làm trọng tâm, lấy thành lập HTX làm trung tâm để liên kết giữa doanh nghiệp và người dân, giữa người sản xuất và người tiêu dùng.

Trưởng phòng Kinh tế TP Hà Tĩnh Trần Quang Hưng"

Theo Baohatinh.vn

Link gốc: https://baohatinh.vn/nong-nghiep/muot-mat-nhung-mo-hinh-nong-nghiep-xanh-tren-dat-thanh-sen/234139.htm

Chia sẻ:   
Loading...