Truyền thông

Mùa gom mật ngọt ở miền sơn cước Vũ Quang

Nghề nuôi ong ở Vũ Quang (Hà Tĩnh) không phải là nghề mới và những hộ nuôi có quy mô không nhiều, chủ yếu nhỏ lẻ. Tuy nhiên, những năm gần đây, được chính quyền các cấp quan tâm nên số lượng đàn ong trên địa bàn ngày càng tăng lên, đưa đến cho người dân nguồn thu nhập ổn định.



Tháng ba hằng năm được coi là mùa con ong đi lấy mật, bởi đây là thời điểm tiết trời ấm áp, cây cối đâm chồi nẩy lộc, trăm hoa đua nở. Theo kinh nghiệm của những người nuôi ong lâu năm ở Vũ Quang, dù thời gian thu hoạch mật kéo dài quanh năm, song tháng ba vẫn là thời điểm thu hoạch mật được nhiều và ngon nhất.


Mùa này, những vườn bưởi, cam, vải và nhiều loài hoa bung nở rực rỡ, phủ kín khắp các triền đồi, nương vườn, tạo ra nguồn thức ăn phong phú cho ong.


Ong được bà con nông dân Vũ Quang nuôi trong các thùng gỗ. Mỗi thùng có 4-5 cầu ong tùy kích thước, chứa đầy sáp và mật ong thơm ngậy. Về mùa này, những con ong thường bay lượn khắp các vườn đồi để kiếm mật ngọt.

Ong có đặc tính bầy đàn rất cao và nhạy cảm với các tác động của ngoại cảnh như thời tiết, ánh sáng và nhiệt độ. Vì vậy, người nuôi nếu muốn thành công, phải “hiểu” được ong, có như vậy, đàn ong mới khỏe mạnh và cho năng suất cao.


Với hơn 25 năm gắn bó với nghề nuôi ong, ông Phùng Đăng Anh (SN 1955, thôn 3, xã Ân Phú) cho biết: “Ong cho mật quanh năm, nhưng nhiều và chất lượng nhất vẫn là mùa xuân. Bởi, thời điểm sau tết, các loài hoa đua nhau nở rộ, tạo ra nguồn phấn dồi dào cho ong làm mật. Người nuôi ong chúng tôi vẫn thường có câu "Tháng ba - mùa con ong đi lấy mật”.


Gia đình ông Anh hiện nuôi 30 đàn ong, bình quân mỗi năm thu về khoảng 400 lít mật. Năm nay, thời tiết đầu xuân khá thuận lợi, các loài hoa bung nở nhiều nên ong tiết mật đều. Từ đầu tháng ba đến nay, gia đình ông đã thu hoạch được 50 lít mật. Vì đang đầu mùa nên mật ong bán khá được giá, 250 nghìn đồng/lít.


Theo ông Anh, tuỳ theo từng thời điểm mà thời gian khai thác mật ong sẽ thay đổi, ong khỏe chăm hút mật thì khoảng 8 ngày là có thể thu hoạch, nhưng cũng có đàn mất tới 15 - 17 ngày.


Khi lấy mật, các thao tác đều được ông Anh làm nhẹ nhàng, cẩn thận. Có thể nói, đây là thời điểm mong chờ nhất bởi bao công sức lao động nay đã mang lại thành quả.


Những chiếc cầu căng tràn mật ngọt là thành quả mà đàn ong mang lại cho gia đình ông Anh sau chuỗi ngày chăm nom. Trước khi đưa các cầu mật vào quay, ông Anh sẽ cắt lớp sáp phía trên. Phần sáp này ông Anh sử dụng để cấy thành những chiếc cầu mới cho ong làm mật những đợt tiếp theo. Sau khi chuẩn bị xong, ông Anh sẽ cho các cầu ong vào “cỗ máy” quay mật.


Những dòng mật óng vàng, thơm lừng được kết tinh từ sự cần mẫn của đàn ong và sự nâng niu, chăm nom của người nông dân. Ông Anh cho biết, vì đang đầu mùa nên ong tiết mật đều, từ nay đến hết vụ xuân, dự kiến gia đình ông sẽ thu được khoảng thêm 50 lít mật nữa.


“Với kinh nghiệm nuôi ong lấy mật lâu năm, tôi nhận thấy hoa nhãn, vải, cam, bưởi sẽ cho mật màu vàng óng; hoa rừng sẽ cho mật màu đậm hơn. Và mật của những loài hoa này thường dẻo quánh, không ngọt gắt như các loại mật khác, không bị ngả màu hay đóng đường; đặc biệt, chất lượng cũng tốt hơn rất nhiều” - ông Anh cho biết.


Nghề nuôi ong trên địa bàn Vũ Quang không phải là nghề mới và những hộ nuôi có quy mô trong huyện không nhiều mà chủ yếu nuôi nhỏ lẻ trong dân. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, nhờ được chính quyền các cấp quan tâm định hướng nên số lượng đàn ong ngày càng tăng lên trên địa bàn, đưa đến cho bà con nơi đây nguồn thu nhập ổn định.


Vì đang vào chính vụ nên những ngày này, ông Nguyễn Quốc Diên (SN 1960, thôn Hợp Bình, xã Hương Minh) luôn đều tay bên những đàn ong. Ông Diên cho biết, gia đình đang thu hoạch lứa mật ong chính vụ đầu tiên trong năm, ước tính 30 đàn ong sẽ thu về gần 50 lít mật chất lượng cao, giá trị khoảng 10 triệu đồng.

Cũng như nhiều nghề khác, nghề nuôi ong đòi hỏi sự cầu kỳ, tỉ mẩn. Theo ông Diên, nuôi ong không tốn thời gian chăm sóc nhưng lại đòi hỏi sự cẩn thận. Người nuôi ong không chỉ như người mẹ chăm sóc con nhỏ mà còn cần phải như một nhà dự báo thời tiết để lựa chọn thời điểm lấy mật và cả chia đàn, nhân đàn sao cho phù hợp.


Ông Diên cho biết: “Khó khăn nhất với người nuôi ong là làm sao để đàn ong không bỏ tổ. Có những người nuôi ong đã 6-7 năm vẫn thiếu kinh nghiệm, dẫn đến mất mùa, lượng mật thu về không đáng kể. Do đó, sự đồng hành của các cấp trong việc hướng dẫn, trang bị kiến thức nuôi cho các hộ là rất quan trọng”.


Mật sau khi thu hoạch được vợ chồng ông Diên đóng chai cẩn thận. Ông Diên cho biết, nhờ chăm sóc các đàn ong cẩn thận nên sản phẩm mật ong của ông làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, thậm chí có nhiều thời điểm “cháy hàng”.


Hơn một tuần nay, ông Đoàn Liên Bang (SN 1949, thôn Hợp Đức, xã Hương Minh) luôn “sát cánh” cùng những đàn ong. Gia đình ông Bang hiện nuôi 60 đàn ong, với hơn 35 năm gắn bó với nghề, ông Bang giờ đây “hiểu con ong như hiểu chính mình".

“Hơn 35 năm chăm ong nên tôi rất hiểu tập tính của chúng, ong là loài vật ưa sạch sẽ. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên 60 đàn ong của tôi luôn khỏe mạnh, cho sản lượng mật cao và chất lượng tốt mỗi năm” - ông Bang chia sẻ.


Mùa xuân không chỉ là mùa cây cối đâm chồi nảy lộc, hoa lá tốt tươi, thời tiết ấm áp, mà còn là mùa con ong cần mẫn đi gom mật ngọt. Theo ông Bang, như mối quan hệ cộng sinh, những vườn cam, vườn bưởi… cho ong mật ngọt và những con ong chăm chỉ hút mật, thụ phấn để giúp các loại cây ăn quả đơm hoa, kết trái thuận lợi.


“Ước tính, 60 đàn ong của gia đình sẽ thu khoảng 150 lít mật chất lượng cao, cho thu nhập hơn 30 triệu đồng trong đợt thu hoạch đầu tiên này. Thu nhập từ nghề nuôi ong đã giúp gia đình tôi có kinh tế ổn định, vươn lên trở thành hộ khá của địa phương.

Nuôi ong không khó, lợi nhuận lại cao nên gia đình tôi rất yên tâm khi gắn bó với loài vật nuôi này. Chỉ mong sức khỏe luôn tốt để tôi có thể dõi theo đàn ong mỗi ngày, đưa những dòng mật tươi ngon của miền sơn cước Vũ Quang đến khắp mọi miền đất nước” - ông Bang chia sẻ.


Những cầu mật nặng trĩu chứa những giọt mật vàng được ông Bang trân trọng, nâng niu, bởi đó là thức quà mà những con ong cần mẫn “gánh” về giữa mùa xuân. Để lấy được những tảng mật ong óng vàng, ông Bang đã dùng hương đốt tạo khói, nhằm thuận tiện cho việc lấy các cầu mật.

Ông Bang cho biết: “Một con ong thợ thường phải bay xa tổ hơn 1 km để tìm mật, khi phát hiện được nguồn hoa, ong thợ sẽ bay về tổ và báo hiệu cho cả đàn ong thợ để cùng nhau đi lấy phấn hoa về gây mật. Ong thợ ngoài việc phải đi lấy phấn hoa, lấy mật tự nhiên, lấy nước làm “điều hòa” cho tổ…, chúng còn phải nuôi ong chúa và ong đực”.


Nghề nuôi ong chất chứa bao vất vả, nhọc nhằn nhưng cũng thật ngọt ngào. Ngọt ngào từ hương của ngàn hoa, ngọt ngào trong từng giọt mật ong mang về.

Niềm vui bao nhiêu năm nay của ông Bang vẫn thế, vui sướng khi rút một cầu ong trong tổ ra mà tay nặng trĩu bởi mật đóng dày đặc kín, thu được những dòng mật vàng óng đặc sánh sau mỗi lần quay mật.

Được biết, đây là đợt thu hoạch chính vụ trong năm, vì vậy, sản lượng mật nhiều hơn, chất lượng tốt hơn. Đặc biệt, mật có vị béo bùi, ngọt mát quyện lẫn mùi thơm ngậy đặc trưng của hoa lá miền sơn cước.


Ông Bang chia sẻ: “Năm ngoái, gần 60 đàn ong của gia đình cho hơn 800 lít mật, thu về được hơn 150 triệu đồng. Tôi hy vọng năm nay, thời tiết sẽ ủng hộ để đàn ong gom được nhiều phấn, tiết đều mật, để gia đình có thêm một “mùa vàng” bội thu...”.


Hương sắc mùa xuân đang vào độ “chín”, trên các sườn đồi, những đàn ong chăm chỉ cũng đang cần mẫn đi tìm mật ngọt. Người nuôi ong cũng vậy, họ cũng đang cần mẫn đợi chờ một mùa mật mới đầy khởi sắc, đầy hương của trời và hoa của đất...

Toàn huyện Vũ Quang hiện có hơn 1.000 hộ nuôi ong với hơn 7.500 đàn. Để giúp người dân tăng thu nhập từ nghề nuôi ong lấy mật và bảo đảm tính bền vững, chúng tôi đã hướng dẫn bà con áp dụng KHKT vào quá trình nuôi nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, triển khai các lớp tập huấn nâng cao kiến thức nuôi dưỡng, phòng trị bệnh, chăm sóc, nhân đàn, quản lý các đàn ong giống cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Giám đốc Liên hiệp HTX Ong và Dịch vụ nông nghiệp Vũ Quang

Theo Baohatinh.vn

Chia sẻ:   
Loading...